Văn hóa ứng xử phải bắt đầu từ gia đình
VHO- Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt, đó là sự hòa thuận, thủy chung, tình nghĩa, yêu thương, hy sinh cho con cái, tôn trọng, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ… Nhiều gia đình Việt Nam nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hóa đã tạo ra nề nếp gia phong lâu bền để nhiều thế hệ con cháu noi theo.
Gia đình NSND Thu Quế - NSƯT Phạm Cường thường được mọi người nhắc đến với sự ngưỡng mộ về hạnh phúc hôn nhân
Chính cái gốc ấy đã giữ cho con người, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt, tạo nên sức mạnh mềm cho nền tảng hạnh phúc. Tuy nhiên, những năm gần đây, những nét đẹp từ truyền thống đang dần bị mai một. Cần làm gì để gìn giữ được văn hóa ứng xử trong gia đình Việt đã trở thành nhiệm vụ quan trọng không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước mà chính bản thân từng thành viên trong mỗi gia đình.
Khi những giá trị văn hóa ứng xử truyền thống bị mai một
Đánh giá về văn hóa ứng xử trong gia đình Việt hiện nay, GS.TS Đặng Cảnh Khanh cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực như cấu trúc của gia đình Việt hiện đại đã có những biến đổi như quy mô gia đình nhỏ hơn, không còn nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà, số lượng con ít giúp cho các gia đình có điều kiện chăm sóc dạy dỗ con cái tốt hơn... Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì cũng có những mặt tiêu cực nảy sinh, như nhiều gia đình chỉ chú ý tới khía cạnh đảm bảo kinh tế mà bỏ quên văn hóa ứng xử, đây là nguyên nhân khiến cho không ít gia đình không có hạnh phúc hoặc đi tới tan vỡ. GS.TS Đặng Cảnh Khanh nhấn mạnh: “Văn hóa ứng xử trong gia đình đã bị nhiều người lãng quên, họ chỉ tập trung tới đáp ứng mọi nhu cầu vật chất mà không quan tâm đến suy nghĩ, đời sống tinh thần của mỗi thành viên trong gia đình. Theo tôi, đã tới lúc cần phải quay trở lại để phục hồi những nét văn hóa ứng xử truyền thống đáng trân trọng như con cháu nhớ đến cội nguồn, biết ơn tổ tiên, gắn bó với gia tộc; con cái hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ có trách nhiệm với con cái; anh chị em có trách nhiệm với nhau… Đây là những giá trị quý báu cần được gìn giữ và phát huy”.
Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực từ các mối quan hệ, công việc, khiến nhiều người không còn thời gian lo cho gia đình. Thêm vào đó, quan niệm đề cao sự bình đẳng và cái tôi cá nhân cũng là một trong những lý do khiến cho chất lượng gia đình đi xuống, dẫn tới mâu thuẫn và ly hôn. Trong những năm gần đây, tình trạng ly hôn ngày một gia tăng, năm sau cao hơn năm trước, trong đó phần lớn là giới trẻ.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân phần lớn và sâu xa dẫn tới tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt với các cặp vợ chồng trẻ là do họ thiếu kỹ năng sống. Họ bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình, quá đề cao cái tôi bản thân, ít quan tâm đến nửa kia, khiến mâu thuẫn nảy sinh ngay từ những tháng đầu, năm đầu của cuộc hôn nhân.
TS Lê Thị Bích Hồng cho rằng chính guồng quay của xã hội hiện đại đã làm ảnh hưởng phần nào các giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử gia đình. Không ít người làm cha, làm mẹ không tròn bổn phận, trách nhiệm; không chăm lo cho thế hệ tương lai, chỉ mải mê kiếm tiền và vun vén cho nhu cầu ích kỷ của bản thân. Do thiếu giáo dục nền tảng đạo đức, thiếu tính làm gương của cha mẹ, không ít con cái trong gia đình không nghĩ đến tình phụ mẫu mà làm nhiều việc trái với luân thường đạo lý. Một thực tế đáng buồn là sự xuống cấp của những nguyên tắc, chuẩn mực trong gia đình, sự vi phạm cũng như việc chấp nhận những sai lệch chuẩn mực xã hội trong gia đình đã diễn ra một cách dễ dàng và khá phổ biến. Những giá trị đạo đức truyền thống đang bị xói mòn mạnh mẽ. Các nghiên cứu về gia đình đã chỉ ra được những thay đổi các giá trị đạo đức truyền thống, những giá trị vốn được xem là chuẩn mực từ trước đến nay.
Lấy văn hóa ứng xử tốt đẹp làm trọng tâm
Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cho biết, đã nhiều năm nay, chủ đề của công tác gia đình đều tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Năm 2021, Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 vẫn lấy việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp làm trọng tâm và mấu chốt tạo nên nền tảng hạnh phúc gia đình. Bà Ánh nhận định: “Một trong những chức năng cơ bản của gia đình là giáo dục. Quá trình xã hội hóa của trẻ bắt đầu từ môi trường gia đình. Cha mẹ chủ động dạy dỗ con cái học hỏi các kỹ năng xã hội và trẻ em cũng quan sát,
bắt chước các hành vi của người lớn. Ông, bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình là những “người thầy” đầu tiên và có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Thực tế cho thấy, gia đình nào quan tâm, chú trọng đến giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, thì trẻ em có xu hướng trở thành người có đạo đức, lối sống lành mạnh, đúng mực và ngược lại”. Bà Ánh cũng cho rằng, công tác gia đình đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối như suy thoái đạo đức, lối sống thực dụng, sự vô cảm, mâu thuẫn, xung đột từ trong gia đình đến ngoài xã hội… Và một trong những nguyên nhân chính là do gia đình chưa làm tốt chức năng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho các thành viên, mà ở đó uốn nắn, rèn giũa hành vi ứng xử vừa là mục tiêu vừa là phương thức cơ bản.
Là một trong những gương mặt quen thuộc trên màn ảnh nhỏ và sân khấu kịch nói Việt Nam, cặp vợ chồng NSND Thu Quế - NSƯT Phạm Cường thường được mọi người nhắc đến với sự ngưỡng mộ về hạnh phúc hôn nhân. Có ai biết, để có sự nghiệp thành công, gia đình viên mãn thì cả Thu Quế và Phạm Cường đều đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Bởi nghệ sĩ vốn nhiều cảm xúc nên đã có không ít người đi lầm đường, tự tay phá vỡ hạnh phúc do mình xây dựng. NSND Thu Quế chia sẻ: “Nhìn chúng tôi người ta thường bảo, cả hai vợ chồng đều là nghệ sĩ đôi khi cũng có những áp lực. Song khi về đến nhà, trút bỏ hào quang sân khấu, chúng tôi lại vào đúng vai trò người chồng có trách nhiệm, người vợ đảm đang và cha mẹ mẫu mực. Hôn nhân càng kéo dài theo năm tháng thì chúng tôi càng sống bình yên và hạnh phúc bên nhau hơn. Không còn cái kiểu cố chấp “ăn thua” để tranh luận xem ai đúng, ai sai nữa. Bởi lẽ chúng tôi đều hiểu rằng việc “đấu khẩu” và cố chấp bảo vệ quan điểm sẽ chẳng thể là lời giải cho cuộc sống gia đình”.
Có thể nói rằng, những giá trị đạo đức gia đình truyền thống đến nay vẫn còn những giá trị phù hợp trong quá trình xây dựng gia đình hiện đại. Điều này sẽ giúp phát huy ưu thế các mối quan hệ trong gia đình và làm cho nền tảng gia đình ngày càng vững chắc. Gia đình bền vững sẽ là động lực để xã hội phát triển. Nếu các giá trị đạo đức gia đình suy thoái, nền tảng xây dựng các mối quan hệ dần mất đi thì cơ sở để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước sẽ không còn. Việc phát huy các giá trị đạo đức gia đình truyền thống sẽ góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo “rễ sâu, gốc bền” cho xã hội phát triển...
Ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình là những “người thầy” đầu tiên và có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển nhân cách của trẻ em. Thực tế cho thấy, gia đình nào quan tâm, chú trọng đến giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, thì con trẻ có xu hướng trở thành người có đạo đức, lối sống lành mạnh, đúng mực và ngược lại. (Bà TRẦN TUYẾT ÁNH, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL) |
THÚY HIỀN